Việc tính tuổi thai và ngày dự sinh của các mẹ bầu thường chỉ mang tính tương đối. Tuy nhiên, với những mẹ bầu mang thai nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF) thì tính tuổi thai có chính xác hơn không? Cách tính tuổi thai IVF được thực hiện như thế nào? Nếu mẹ bầu đang quan tâm đến vấn đề này thì hãy cùng tìm hiểu với MarryBaby nhé.
Ý nghĩa của việc tính tuổi thai IVF
Tuổi thai nói chung là một thuật ngữ trong y khoa để chỉ thời gian mang thai của mẹ bầu và là thước đo sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ. Đơn vị tính tuổi thai thường dùng là tuần tuổi.
Bên cạnh đó, việc tính tuổi thai cũng giúp các bác sĩ sản khoa và mẹ bầu xác định chính xác từng mốc phát triển của thai nhi. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ bầu thực hiện một số xét nghiệm sàng lọc trong thai kỳ để đánh giá sức khỏe của em bé. Do đó, việc nắm rõ cách tính tuổi thai IVF có ý nghĩa quan trọng trong thai kỳ.
>> Bạn có thể xem thêm: Tổng hợp các xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi quan trọng khi mang thai
Cách tính tuổi thai IVF được thực hiện như thế nào?
Việc thụ thai nhờ phương pháp IVF khá đặc thù nên cách tính tuổi thai cũng sẽ khác so với các thai kỳ thụ thai tự nhiên. Theo các chuyên gia, cách tính tuổi thai IVF sẽ dựa vào ngày chuyển phôi hoặc theo các chỉ số từ kết quả siêu âm.
1. Cách tính tuổi thai IVF dựa theo ngày chuyển phôi
Việc cấy phôi thai IVF thường sẽ tiến hành khi phôi thai đã được nuôi cấy sau khoảng 3-5 ngày trong phòng thí nghiệm. Do đó, cách tính tuổi thai IVF được chia làm 2 trường hợp gồm: cách tính tuổi thai IVF ngày 3 và cách tính tuổi thai IVF ngày 5.
Đối với trường hợp chuyển phôi vào ngày 3 thì cách tính tuổi thai IVF ngày 3 như sau:
Trong trường hợp này, để tính tuần tuổi thai, mẹ bầu cần cộng thêm vào công thức 2 tuần 3 ngày (17 ngày). Bởi vì, vào thời điểm cấy phôi, phôi thai đã phát triển được 3 ngày, cộng thêm 14 ngày là thời gian chênh lệch của tuổi thai và tuổi phôi.
Đối với trường hợp chuyển phôi vào ngày 5 thì cách tính tuổi thai IVF phôi ngày 5 như sau:
- Tuổi thai (tuần tuổi) = [Ngày hiện tại – Ngày chuyển phôi + 19 ngày] / 7
- Ngày dự sinh = Ngày chuyển phôi + 266 (38 tuần) – 5 ngày
Trong trường hợp này, để tính tuần tuổi thai, mẹ bầu cần cộng thêm vào công thức 2 tuần 5 ngày (19 ngày). Bởi vì, vào thời điểm cấy phôi, phôi thai đã phát triển được 5 ngày, cộng thêm 14 ngày là thời gian chênh lệch của tuổi thai và tuổi phôi.
- Tuổi thai (tính theo tuần) = [ngày hiện tại – ngày chuyển phôi + tuổi thai lúc chuyển phôi] / 7
- Ngày dự sinh = Ngày chuyển phôi + 266 (38 tuần) – số ngày phôi được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm
>> Bạn có thể xem thêm: Sau khi chọc hút trứng bao lâu thì chuyển phôi? Giải mã toàn bộ thắc mắc về chọc hút trứng trong IVF
2. Cách tính tuổi thai IVF theo phương pháp siêu âm
Bên cạnh cách tính tuổi thai IVF dựa vào ngày chuyển phôi, bác sĩ cũng có thể tính tuổi thai dựa vào phương pháp siêu âm trong thai kỳ. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bác sĩ sẽ dùng phương pháp siêu âm để đo các chỉ số phát triển của thai nhi như cân nặng và chiều dài để dự đoán tuổi thai.
Đây cũng là một phương pháp tính tuổi thai khá chính xác đối với các mẹ bầu có thai theo cách tự nhiên hoặc thụ thai nhờ IVF. Tuy nhiên mẹ bầu cần lưu ý, nếu đi siêu âm lần đầu từ tam cá nguyệt thứ 2 trở đi thì việc tính tuổi thai sẽ không chính xác.
>> Bạn có thể xem thêm: Đi siêu âm thai có phải nhịn ăn không và mẹ nên khám thai khi nào?
Những lưu ý cho mẹ bầu để chào đón em bé khỏe mạnh
Sau khi đã tìm hiểu những cách tính tuổi thai IVF, mẹ bầu cũng nên lưu ý một số điều sau để thai kỳ phát triển khỏe mạnh, khi sinh được mẹ tròn con vuông:
1. Các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ
- Cẩn trọng với dấu hiệu xuất huyết âm đạo, nhất là trong 3 tháng đầu: Khi mẹ bầu thấy xuất huyết âm đạo bất kể là trong giai đoạn nào của thai kỳ nhưng đặc biệt là 3 tháng đầu thì cần đến bệnh viện ngay.
- Nắm được các dấu hiệu chuyển dạ: Mẹ bầu cần lưu ý nhận biết chính xác các dấu hiệu chuyển dạ để kịp thời đến bệnh viện chuẩn bị cho quá trình sinh nở.
- Nếu bị nhau thai tiền đạo và thai chậm phát triển trong tử cung thì cần theo dõi kỹ: Đây là các dấu hiệu nguy hiểm đến thai nhi do đó mẹ cần theo dõi kỹ sự phát triển của thai nhi.
- Phân biệt được rỉ ối và ra dịch âm đạo: Mẹ bầu cũng cần phân biệt được đâu là rỉ ối và ra dịch âm đạo để ngăn ngừa các tình trạng sinh non, suy thai hay thai chết lưu.
- Theo dõi lượng nước ối trong 3 tháng cuối: Nước ối rất cần thiết cho sự sống của thai nhi, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu mẹ bầu có lượng nước ối quá nhiều hoặc quá ít cũng có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.